Trang chủ » Báo chí nói về CodeGym » Đào tạo ngành đặc thù: Có gì khác biệt?

Đào tạo ngành đặc thù: Có gì khác biệt?

bởi CodeGym | 31/01/2024 14:10 | Báo chí nói về CodeGym
GD&TĐ – Để đào tạo nhóm ngành đặc thù, các trường ngoài đầu tư đội ngũ, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo phải bảo đảm thời lượng thực hành theo quy định.
Sinh viên HUTECH trong một ngày hội phỏng vấn - tuyển dụng sinh viên khối ngành Marketing và CNTT.

Sinh viên HUTECH trong một ngày hội phỏng vấn – tuyển dụng sinh viên khối ngành Marketing và CNTT.

Vì vậy, việc xây dựng chương trình cho các ngành đặc thù theo hướng học và trải nghiệm tại doanh nghiệp được nhà trường coi trọng.

Chú trọng kỹ năng nghề

TS Nguyễn Văn Hiến – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing TPHCM (UFM) cho biết: Thực tế, việc xây dựng chương trình và đào tạo cho nhóm ngành đặc thù rất vất vả và đối mặt nhiều khó khăn. Nhà trường phải đầu tư rất lớn về cơ sở vật chất, đội ngũ thầy giáo từ doanh nghiệp, nhưng khung trần học phí giống chương trình đại trà nên gặp khó.

Theo TS Hiến, điểm khác biệt của chương trình đào tạo đặc thù là nhà trường mời doanh nghiệp tới chia sẻ trực tiếp, để sinh viên có thể hiểu được công việc mình cần phải có khi ra trường và làm việc, chú trọng vào việc thực hành cho sinh viên nhiều hơn. Toàn bộ môn học cơ sở ngành, chuyên ngành đều có thời lượng thực hành 50%.

Vì là ngành học đặc thù, hướng đến mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho địa phương nên việc xây dựng khung chương trình đào tạo cần nhiều sự đầu tư. Mỗi đề cương môn học không chỉ là giáo trình để giảng viên lên lớp, mà còn được xây dựng gần như một kịch bản giảng dạy và học tập. Trong đó, chủ thể chính là giảng viên và sinh viên sẽ được “phân vai, phân cảnh” cụ thể, chi tiết theo từng tín chỉ – từng mô-đun học tập và thực hành.

“Hiện, nhóm ngành đặc thù về Quản trị nhà hàng, khách sạn và Quản trị du lịch & lữ hành, UFM đã ký kết hợp tác với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp như Tập đoàn Imperial, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, CyberSoft để xây dựng cho sinh viên môi trường học tập và làm việc chuẩn quốc tế.

Năm học 2021 – 2022, sinh viên nhóm ngành trên ngoài việc thực học trong doanh nghiệp, còn được Tập đoàn Imperial phối hợp triển khai tích hợp việc học chứng chỉ nghề quốc tế. Việc thẩm định chất lượng đào tạo (thẩm định cơ sở vật chất, đội ngũ, kết quả thi của sinh viên), cấp chứng chỉ sẽ do một tổ chức kiểm định danh tiếng của Anh thực hiện. Sinh viên đạt chứng chỉ này, cộng thêm tốt nghiệp có thể làm việc ở bất cứ nhà hàng, khách sạn 5 sao nào trên 142 quốc gia trên thế giới”, TS Hiến chia sẻ.

Nhìn nhận chương trình đào tạo nhóm ngành đặc thù cần được xây dựng theo hướng khác biệt, với sự tham gia sâu của các giảng viên từ các doanh nghiệp, PGS.TS Nguyễn Thị Nguyên Hồng – Trưởng khoa Khách sạn – Du lịch Trường ĐH Thương mại (Hà Nội) cho biết, phương thức đánh giá kết quả học tập sinh viên theo chương trình này cũng khác.

“Để đạt chất lượng đào tạo, sinh viên đạt chuẩn tay nghề thật, ngoài việc “ném” sinh viên vào môi trường học tại doanh nghiệp, nhà trường cũng đổi mới về cách kiểm tra đánh giá. Nếu cách đánh giá truyền thống sau mỗi môn sẽ kiểm tra trên giấy hay trên máy tính, với ngành học đặc thù sinh viên sẽ làm đồ án, trình bày một món ăn hay thực hiện khóa luận mini… để hội đồng giám khảo đánh giá, hoặc chính thầy giáo đến từ doanh nghiệp chấm điểm. Cách làm này không chỉ rèn luyện kỹ năng thực chiến, mà còn giúp các em dần nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, nắm sâu hơn về ngành nghề của mình”, PGS.TS Nguyễn Thị Nguyên Hồng nói.

Sinh viên HUTECH trong ngày hội phỏng vấn - tuyển dụng.

Sinh viên HUTECH trong ngày hội phỏng vấn – tuyển dụng.

Giảm thiểu các nội dung đào tạo hàn lâm

Chương trình đào tạo đặc thù ngành CNTT và Du lịch chính thức được triển khai vào năm 2017 thông qua Văn bản 4929/BGDĐT-GDĐH và 5444/BGDĐT-GDĐH của Bộ GD&ĐT với đặc trưng là tăng hàm lượng thực hành, kết nối doanh nghiệp và tạo cơ chế chuyển đổi từ ngành khác sang 2 ngành này.

Sau 3 năm triển khai, số trường thực hiện chương trình đặc thù có tăng nhưng không nhiều, chỉ khoảng trên dưới 10 trường với 13 chuyên ngành đào tạo. Những đơn vị thực hiện đào tạo cả hai ngành và các chuyên ngành nhỏ theo hướng đặc thù gồm Trường ĐH Tài chính – Marketing TPHCM (UFM), ĐH Thương mại, ĐH Phú Xuân, ĐH Khoa học Huế…

Là trường được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế chọn là đơn vị xây dựng và phát triển chiến lược nguồn nhân lực CNTT cho địa phương, Trường ĐH Khoa học Huế đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm thu hút cũng như nâng cao chất lượng việc đào tạo sinh viên ngành CNTT.

PGS.TS Hoàng Quang – Trưởng khoa CNTT, Trường ĐH Khoa học Huế cho biết:  Từ năm 2015 đến nay, khoa kết hợp với FPT Software trong việc giảng dạy và đánh giá kết quả học tập của sinh viên cho một số môn học của chuyên ngành CNTT; Triển khai hiệu quả chương trình thực tập của sinh viên năm cuối tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Ngoài chương trình đào tạo cử nhân CNTT, trong năm 2019, 2020, Khoa CNTT đã triển khai tuyển sinh, đào tạo thêm 1 chương trình cử nhân mới là ngành Kỹ thuật phần mềm theo cơ chế đặc thù (khoa – trường chỉ đảm nhiệm 70% chương trình đào tạo, 30% còn lại là của các doanh nghiệp).

“Nhà trường đã liên kết với các doanh nghiệp thông qua Trung tâm CNTT của tỉnh. Hiện, Khoa CNTT đã thực hiện thay đổi chương trình đào tạo đại học ngành CNTT sao cho các môn học sát với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, giảm thiểu các nội dung đào tạo hàn lâm (các môn toán học chuyên sâu)” – PGS.TS Quang nói.

Nhìn nhận hướng đi được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế xác lập để xây dựng nguồn lực đáp ứng bối cảnh mới, TS Đàm Quang Minh – Chủ tịch HĐT Trường ĐH Phú Xuân cho hay: Để thúc đẩy và đảm bảo nhu cầu nguồn nhân lực CNTT cho tỉnh, ĐH Phú Xuân ngoài việc đào tạo chính quy còn triển khai chương trình chuyển đổi nghề lập trình viên cho các sinh viên ngành khác. Sau một năm triển khai, nhà trường và đối tác CodeGym đã đào tạo chuyển đổi nghề và nâng cao năng lực cho 140 học viên, cung cấp nhân sự cho các doanh nghiệp tại Huế. Năm học 2020 – 2021, con số đào tạo chuyển đổi nghề đạt khoảng 250 – 300 học viên/năm. Các em được bảo đảm việc làm sau khi ra trường.

ThS Vũ Thị Thanh Hương – Phụ trách Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Tài chính – Marketing TPHCM (UFM) cho biết: Trường có 4 chương trình đào tạo đặc thù gồm Hệ thống thông tin quản lý, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống với mức điểm trúng tuyển khá cao từ 22 – 25 điểm tùy theo phương thức xét tuyển. Sinh viên sẽ được học mọi vấn đề về lập trình thế giới đang có với môi trường thực học tại doanh nghiệp từ năm đầu. Chương trình đào tạo được khoa và nhà trường xây dựng từ nhiều chương trình chuẩn của quốc tế sau khi có sự chắt lọc nên sinh viên sau khi tốt nghiệp gần như có việc làm ngay.

Tags:

0 Lời bình

Gửi Lời bình

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BẠN MUỐN HỌC LẬP TRÌNH?

GỌI NGAY

098 953 44 58

Đăng ký tư vấn lộ trình học lập trình

Đăng ký tư vấn, định hướng lộ trình học và giải đáp các thắc mắc về ngành nghề – Miễn phí – Online.

4 + 14 =

TƯ VẤN VỀ LỘ TRÌNH HỌC NGHỀ LẬP TRÌNH TẠI CODEGYM
TƯ VẤN VỀ LỘ TRÌNH HỌC NGHỀ LẬP TRÌNH TẠI CODEGYM