Trang chủ » Blog » Kỹ thuật tối ưu truy vấn SQL

Kỹ thuật tối ưu truy vấn SQL

SQL là một ngôn ngữ không còn xa lạ với mọi lập trình viên và đối với với lập trình viên backend việc làm chủ được SQL là một điều rất quan trọng. Trong quá trình làm việc của mình với SQL mình đã tham khảo rất nhiều nguồn để tối ưu câu truy vấn hiểu được hoạt động của SQL. Các bài nói về tối ưu với SQL trên mạng là rất nhiều nhưng mình chưa tìm thấy có một bài nào tổng hợp các kỹ thuật nên dùng để tối ưu với SQL. Bài viết này mình sẽ chia sẻ những kỹ thuật mình đang sử dụng để tối ưu hệ thống của mình với SQL cụ thể hơn là Mysql vì nhiều kiến thức mình chưa thử ở các loại SQL khác.

What is an index ?

Index là một khái niệm rất quan trọng trong SQL, mọi người nghe thấy nó và sử dụng nó hằng ngày nhưng không hẳn mọi người đều có thể hiểu được cách một Database xây dựng index. Do đó khi một câu query của mọi người bị chậm thì rất khó có thể tạo ra index tối ưu.

Theo tìm hiểu thì các SQL database thường sẽ tổ chức index dưới 2 dạng:

  • B-tree : Dựa theo kiến trúc của cây cân bằng. Hỗ trợ đa dạng query hơn.
  • Hash : Dựa theo cấu trúc dữ liệu Hash-Table. Dạng này sẽ hỗ trợ dạng = rất tốt nhưng lại không hỗ trợ dạng range query (>,<,>=,<=)

Và có thêm một dạng index nữa cho full text search là inverted index tại bài này mình xin phép không nói đến dạng này ạ.

Hash ít được dùng hiện nay và mình cũng chưa từng sử dụng nó trong project thực tế nên bài này mình chỉ nói đến dạng B-tree.

Các hình ảnh dưới đây mình lấy từ SQL Performance explained. Mọi người mua sách ủng hộ tác giả nhé. Quyển sách rất hay dạy chúng ta mọi thứ liên quan đến index.

Index data structure

Để hiểu được index chúng ta cần phải biết được cấu trúc dữ liệu của một index. Giả sử ta tạo một index trên column 2 dạng số. Database sẽ tạo ra một dạng cấu trúc dữ liệu B-tree dựa theo các dữ liệu có trong column 2 và các dữ liệu này sẽ được sắp xếp như hình bên dưới.

b-tree-architechture

Leaf Nodes

Trong hình bên trên chúng ta sẽ chú ý đến các Leaf Nodes các Node này sẽ cung cấp cho chúng ta địa chỉ để đọc dữ liệu từ bảng được lưu trong cơ sở dữ liệu.

Tất nhiên sẽ có các Leaf Nodes không được các Branch Node trỏ tới nên các Leaf Node nãy sẽ được liên kết với nhau bằng danh sách liên kết đôi để đảm bảo được việc duyệt dữ liệu trong cây index.

Leaf_node

Index Traversal

Tiếp đến chúng ta sẽ xem xét đến cách duyệt dữ liệu trên index để biết được tại sao nó lại nhanh hơn với việc scan table rất nhiều.

Giả sử chúng ta tìm dữ liệu bản ghi có giá trị là 57Database sẽ bắt đầu duyệt từ gốc của cây index qua các Branch Node khác nhau cho đến khi đến đầu của Leaf Nodes. Tiếp tục duyệt theo qua các Leaf Node để tìm được giá trị 57.

Vì cây index đã được sắp xếp nên việc duyệt này sẽ rất nhanh và phụ thuộc vào độ sâu của cây và số lượng dữ liệu có trong 1 Node (vài KB và không đổi).

B_Tree_Travel

Với các thuật toán phát triển cây index thì cây index sẽ được gọi là đứa trẻ còi cọc so với độ phát triền của các Leaf Nodes vì vậy duyệt cây index cho chúng ta tốc độ nhanh hơn scan table.

Theo ví dụ bên trên thì một Branch Node sẽ chứa 4 giá trị vậy ta sẽ tính được độ sâu của cây theo công thức sau : Log4(s lượng phn t cBranch Node).

Database sẽ tối ưu việc chọn số lượng phần tử sẽ tham gia cây index sao cho cây có độ sâu thấp nhất.

Ta có bảng dữ liệu sau để thấy rõ hơn độ lớn của cây sẽ phát triển chậm như thế nào nếu mỗi Branch Node có 4 phần tử.

index_depth

Create Index for optimising query

Chúng ta đã hiểu index là gì và tại sao khi sử dụng index lại cho chúng ta kết quả tốt hơn. Việc tiếp theo là áp dụng vào các trường hợp thực tế.

Có một lưu ý là trường bạn dùng để đánh index thì nên ít giá trị Null vì giá trị này gây khó cho database trong quá trình tạo cây index

Where Clause

query1

 SELECT first_name, last_name
 FROM employees
 WHERE employee_id = 123

Với câu query này chúng ta chỉ cần tạo index theo trường employee_id để đạt được tốc độ tối ưu cho câu query.

query2

 SELECT first_name, last_name
 FROM employees
 WHERE employee_id = 123 and subsidiary_id = 30

Giả sử employee_id không còn là unique nữa (trường hợp hợp nhất 2 công ty chẳng hạn) thì việc đánh index trên một trường employee_id sẽ không phải cách tối ưu nhất dành cho câu query trên.

Tại đây chúng ta cần đánh index trên 2 trường employee_id và subsidiary_id.

Việc đánh query trên >=2 trường khác nhau được gọi là concatenated index. Việc đánh index khiến database sắp xếp dữ liệu theo theo trường đứng đầu trước sau đó sẽ sắp xếp theo trường thứ 2.

Vậy nên việc chọn thứ tự các trường trong index dạng này là rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu năng của index.

concat-index

Lời khuyên của mình cũng như sách mình đọc và nghiên cứu thì hãy chọn trường có selective nhất đứng đầu tiên. Vì các trường đó có tính chọn lọc cao (selective) thì khi tạo cây index sẽ có độ sâu thấp hơn. Điều này đúng cho các loại database có khái niệm concatenated index.

query3

 SELECT first_name, last_name
 FROM employees
 WHERE employee_id between 123 and 500 
   and subsidiary_id = 30

Tương tự như câu query2 tại đây việc employee_id là unique thì chúng ta cần phải đánh index trên cả 2 trường.Và ưu tiên điều kiện bằng = trước như thế sẽ tối ưu được câu query

query4

 SELECT first_name, last_name
 FROM employees
 WHERE employee_id between 123 and 500
 SELECT first_name, last_name
 FROM employees
 WHERE employee_id between 123 and 500 
   and subsidiary_id = 30

Chúng ta có 2 query thì chúng ta chỉ cần tạo 1 index cho 2 trường employee_id và subsidiary_id với employee_id đứng đầu. Mặc dù cách đánh index như query3 mới là tối ưu nhất nhưng cũng nên tạo ít index hơn.

Vì dữ liệu sẽ được sắp xếp theo employee_id nên chúng ta sẽ dùng được index này cho 2 câu query.

Đến đây mọi người tự suy luận tiếp về đánh index cho lớn hơn 2 trường nhé chỉ cần nhớ là index là cây sắp xếp và duyệt index giống duyệt cây là có thể suy luận ra thôi.

query5

SELECT first_name, last_name, date_of_birth
 FROM employees
 WHERE UPPER(last_name) = "DEMTV"

Việc sử dụng các function trong câu query thì phải đánh index cả function chứ không đánh trên trường được.

Tại đây chúng ta tạo index như sau CREATE INDEX emp_up_name ON employees (UPPER(last_name));

query6

SELECT first_name, last_name, date_of_birth
 FROM employees
 WHERE UPPER(last_name) < ?
 AND date_of_birth < ?

Nếu câu query dạng này thì không thể đánh 1 index để thỏa mãn 2 range query được.

Vì vậy tại đây mình sẽ chọn đánh index trường nào có khả năng sau khi lọc bằng index xong ít phải lọc trong database nhất có thể. Hoặc có thể đánh 2 index cho cả 2 trường để database thực hiện merge dữ liệu và được gọi là Index Merge.

Câu hỏi nếu cùng câu query sử dụng 1 index có thể giúp bạn quét hết trường hợp và việc tạo 2 index để database gộp lại thì chọn cái nào? Tất nhiên là chọn 1 index.

Slow index

Index cho câu query thực hiện nhanh hơn điều này quá quen rồi nhưng bạn có thể tạo index cho query thực hiện chậm hơn hay không?

Câu trả lời là có nhé. Việc Tạo index không cẩn thận không hề giúp câu select của bạn nhanh hơn ngược lại khiến nó chậm hơn và hiển nhiên index sẽ khiến cho insertupdate cũng chậm hơn dẫn đến thiệt cả 2 đường.

select *
from users 
where sex='M' and name='demtv'

Tại đây nếu bạn không nắm chắc về index có thể bạn sẽ tạo index trên trường sex.

Với câu query này và trong bảng users lớn và chỉ chứa 90% là sex='M' điều này sẽ khiến query này nếu dùng index sẽ chậm hơn với việc scan toàn bộ bảng.

Lý do khiến câu query trên chậm mặc dù đã sử dụng index là vì khi database sử dụng index trên thì nó sẽ nhận được các địa chỉ ngẫu nhiên không nằm cạnh nhau trong bảng. Tiếp đó nó sẽ phải lân lượt đi vào từng địa chỉ này để lọc ra dữ liệu.

Điều này sẽ là chậm hơn rất nhiều việc scan bảng từ đầu đến cuối vì việc scan sẽ chỉ là đọc các bản ghi liên tiếp nhau.

Tất nhiên thực tế sẽ không ai đánh index kiểu thế cả nhưng mọi người cần phải chú ý trường hợp sau khi lọc qua index rồi mà vẫn phải duyệt quá nhiều dữ liệu trong bảng. Tuân theo nguyên tắc chọn trường selective đánh index là một cách tránh được trường hợp này.

order by, group by

Việc đánh index cũng giúp ích rất nhiều đến các câu query order by hay group by vì làm trên tập sắp xếp lúc nào chẳng tiết kiệm hơn.

Join

Một trong các phép quan trọng hay được sử dụng nữa là phép tính Join và nắm được một số nguyên tắc cơ bản để giúp join nhanh hơn là điều cần thiết.

Có 2 thuật toán chính được các database sử dụng khi thực hiện join 2 bảng dữ liệu đó là:

  • Hash Join (Mysql version 8 trở lên mới hỗ trợ thuật toán join này)
  • Nested Loop Join

Nested Loop Join

Đây là thuật toán phổ biến nhất và được áp dụng trong rất nhiều loại database khác nhau vậy nên ta sẽ tìm cách tối ưu phép tính join này trước. Nghe tên thì chắc các bạn cũng đoán ra được là nó sẽ thực hiện 2 vòng lặp để kiểm tra giữ liệu của 2 bảng.

Ta có query sau:

SELECT e0_.employee_id AS employee_id0
       -- MORE COLUMNS
FROM employees e0_
        JOIN sales s1_
                   ON e0_.subsidiary_id = s1_.subsidiary_id
                       AND e0_.employee_id = s1_.employee_id
WHERE UPPER(e0_.last_name) LIKE 'WIND%';

Và chúng ta tạo 2 index :

CREATE INDEX emp_up_name ON employees (UPPER(last_name));
CREATE INDEX sales_emp ON sales (subsidiary_id, employee_id);

Chúng ta sẽ có query plan sau :

Nested-Join

Ở đây ta thấy Database đã sử dụng cả 2 index để thực hiện phép join sẽ nhanh hơn.

  • emp_up_name để access và filter trường last_name
  • sales_emp để thực hiện phép tìm kiếm tất cả những bản ghi tìm thấy sau khi UPPER(e0_.last_name) LIKE 'WIND%'; trong bảng sales

Như thế kết luận rằng đánh index trên trường dùng để join sẽ khiến cho câu join query sẽ nhanh hơn.

Vậy chúng ta đánh 3 index liệu rằng có giúp câu query nhanh hơn không?

CREATE INDEX emp_up_name ON employees (UPPER(last_name));
CREATE INDEX sales_emp ON sales (subsidiary_id, employee_id);
CREATE INDEX emp_up_emp ON sales (subsidiary_id, employee_id);

Câu trả lời là hoàn toàn không? Việc database sử dụng thuật toán Nested Loop Join thì chúng ta chỉ cần đánh index cho bảng nằm bên phải mà thôi.

Ví dụ Khi thực hiện join bảng A,B bằng trường c thì ta chỉ cần đánh index trên trường c của bảng B mà thôi. Nhưng thực tế database không nhất thiết sẽ dữ lại thứ tự join cho bạn vì khi thay đổi thứ tứ join thì vẫn giữ được kết quả cuối nhưng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến performance của Database.

Có một quy tắc chung là Database sẽ luôn sắp xếp sao cho nó ít phải lookup bên bảng còn lại càng ít càng tốt. Theo query bên trên dù ta đảo ngược lại vị trí của bảng employees và bảng sales thì database vẫn sẽ đảo lại thứ tứ để đưa ra phương án join tốt nhất.

Lời Khuyên là nếu bạn không chắc chắn biết được bảng nào sẽ là bảng bên phải thì hãy nên sẽ dũng explain query. Và đừng join nhiều bảng quá không bộ optimize của Database sẽ hơi vất vả chọn thứ tự cho bạn đấy.

Nested Loop Join With ORM

Thực tế hiện nay chúng ta thường xuyên sử dụng ORM để thao tác với Database vậy nên chúng ta nên biết được ORM sẽ thực hiện phương pháp Nested Loop Join này như thế nào.

Nếu không cẩn thận thì khi sử dụng ORM rất có khả năng bạn sẽ gặp phải 1 vấn đề là N+1 select problem. Thay vì gửi 1 câu lệnh Join lên database để nhận lại kết quả thì ORM bạn đang dùng sẽ gửi N+1 câu query khác nhau để lấy dữ liệu về.

Ví dụ như câu query trên rất có thể loại ORM của bạn sẽ thực hiện các phép tính sau:

select employees0_.subsidiary_id as subsidiary1_0_
 -- MORE COLUMNS
 from employees employees0_
 where upper(employees0_.last_name) like ?

 select sales0_.subsidiary_id as subsidiary4_0_1_
 -- MORE COLUMNS
 from sales sales0_
 where sales0_.subsidiary_id=?
 and sales0_.employee_id=?

 select sales0_.subsidiary_id as subsidiary4_0_1_
 -- MORE COLUMNS
 from sales sales0_
 where sales0_.subsidiary_id=?
 and sales0_.employee_id=?

Đầy tiên sẽ query lấy ra các bản ghi employee trước sau đó với từng bản ghi employee sẽ thực hiện 1 câu select nữa để lấy kết quả. Thực sự đây đúng là điều mà database thực sự sẽ làm khi bản gửi một câu join query đầy đủ với thuật toán Nested Loop Join nhưng nó sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian giao tiếp giữa server và client.

Vậy nên các bạn nên tránh sảy ra trường hợp này nếu bạn thật sự muốn join 2 bảng. Hãy show sql của ORM bạn đang sử dụng ra để kiểm tra và search trên mạng cách khác phục nhé.

Hash Join

Đây là một thuật toán giúp ta tiết kiệm thời gian join hơn rất nhiều so với Nested Loop Join vì nó sẽ sử dụng cấu trúc dữ liệu Hash Table để lưu dữ liệu của 1 bảng lại. Nhưng không có gì là hoàn hảo cả vì sử dụng hash table nên nó sẽ rất tốn bộ nhớ.

Ta có query sau :

SELECT *
 FROM sales s
 JOIN employees e ON (s.subsidiary_id = e.subsidiary_id
 AND s.employee_id = e.employee_id )
 WHERE s.sale_date > trunc(sysdate) - INTERVAL '6' MONTH

Ta sẽ có query plan cho query này:

Hash-Join_Filter

Database sẽ load hết dữ liệu 1 bảng vào hash-table trước như ở đây ta thấy nó sẽ load bảng employees vì nó có kích thước nhỏ hơn. Với dạng Join này chúng ta chỉ cần đánh index tại where vì khi thực hiện join nó đã sử dụng hash-table nên việc index cho trường cần join là không cần thiết.

Ta tạo index sau và sẽ có một query plan :

Hash_join

Vậy việc biết được database bạn đang sử dụng đang sử dụng join algorithms nào là điều rất cần thiết để biết được cách nâng cao hiệu năng của phép join.

Theo như tài liệu của Mysql thì phiên bản 8.0.18 mới hỗ trợ loại join này và nó cũng sẽ cung cấp cho bạn một số config như : join_buffer_size, open_files_limit. Bạn nên tham khảo tại Link Mysql-Doc. Tại đây sẽ mô tả cho bạn biết khi nào sẽ dùng hash join và cách tối ưu phép tính toán này.

Join Decomposition

Join Decomposition là kỹ thuật dùng để tách một câu join của bạn thành nhiều câu query khác nhau và sẽ thực hiện join trên Application của bạn để tối ưu hóa được các loại cache bạn đã lưu cũng như mở rộng database.

Cụ thể ta xét query sau :

SELECT * FROM tag
JOIN tag_post ON tag_post.tag_id=tag.id
JOIN post ON tag_post.post_id=post.id
WHERE tag.tag='mysql';

Nếu sử dụng kỹ thuật Join Decomposition thì sẽ biến thành 3 câu query như sau:

SELECT * FROM tag WHERE tag='mysql';
SELECT * FROM tag_post WHERE tag_id=1234;
SELECT * FROM post WHERE post.id in (123,456,567,9098,8904);

Bạn nhìn thấy sự lãng phí nhưng nếu bạn đã cache được bảng tag và bảng tag_post trong memory của Application thì nó chỉ cần thực hiện đúng query cuối mà thôi. Điều này tận dụng tối đa cache của bạn cũng như khiến Application nhanh hơn.

Một ưu điểm nữa là ba bảng tagtag_postpost có thể lưu ở các server khác nhau điều đó khiến mở rộng database là dễ.

Trên thực thế phương pháp này được sử dụng rất nhiều trong các high-performance applications và chúng ta cũng hoàn toàn áp dụng được nó vì thực tế trừ màn hình dành cho admin các phép join đều khá đơn giản.

IN

Với Mysql version 5.7 thì bạn làm ơn đừng sử dụng câu query dạng này :

 SELECT * FROM sakila.film
 WHERE film_id IN(
 SELECT film_id FROM sakila.film_actor WHERE actor_id = 1);

Vì nếu bạn mong muốn Mysql 5.7 se thực hiện sub query trong lệnh IN trước thì nó làm ngược lại đó. Hãy nhìn cách nó làm

mysql_in_5.7

Nó sẽ quét hết bảng film trước sau đó với thực hiện so sánh với sub query. Nếu dùng Mysql 5.7 thì bạn nên thay đổi nếu có query dạng này sang dạng join. Đến phiên bản Mysql 8 thì điều này đã được cải tiến nó sẽ thực hiện câu sub query trước.

mysql-8-in

Chopping Up a Query

Kỹ thuật này mình dùng nhiều trong quá trình xóa dữ liệu với các bảng không có partition theo range.

Nghĩa là thay vì xóa 1 năm dữ liệu thì mình sẽ viết code để xóa từng tuần 1 điều này khiến query của mình thực hiện nhanh hơn và khiến database phải lock dữ liệu ít hơn dẫn đến database không bị cao tải. Trước khi biết đến điều này mình đã phải chờ hàng tiếng đồng hồ để database thực hiện phép delete và nhiều khi mình phải Kill câu query ngu ngốc đó đi. Hy vọng các bạn không trải qua những thứ đau thương như mình.

Một ví dụ điển hình nữa là khi alter một bảng lớn trong sql. Các bạn chắc trải qua cảm giác câu lệnh alter của mình sẽ chạy mất hàng tiếng đồng hồ có khi là hơn thế nữa. Nguyên nhân của việc này là Mysql sẽ tạo ra một bảng mới và copy tất cả dữ liệu của bảng cũ sang bảng mới và trong suốt quá trình này bảng cũ sẽ bị locked. Nếu bảng cần alter có size quá lớn thì đây là vấn đề.

Áp dụng Chopping Up a Query ta sẽ làm như sau. Tạo một bảng mới sau đó copy từng chút một từ bảng mới sang bảng cũ (khoảng tầm 1000 row). Nhưng trong quá trình copy này sẽ có luồng thay đổi giá trị của bảng cũ như : delete,update,… Bạn cần tạo thêm các trigger để khi có update vào bảng  thì sẽ update vào bảng mới luôn hoặc update ra một bảng lưu thay đổi nữa cuối cùng sẽ thực hiện update giá trị của bảng thay đổi vào bảng mới.

Partition

Cùng với việc tạo index thì việc tạo partition cũng giúp câu query của bạn có tốc độ nhanh hơn.

Partition trong sql sẽ phân chia bảng của bạn ra thành nhiều bảng nhỏ hơn. Do đó khi câu query của bạn phù hợp với partition nào thì database chỉ cần đọc partition đó lên thôi điều này sẽ giúp câu query nhanh hơn nhiều.

Partition rất được chú trọng trong các distributed database nhất là với các loại noSql nó được nhắc đến rất nhiều. Vì khi chia partition một cách hợp lý thì partition sẽ có thể được lưu ở các server khác nhau khiến cho tăng được hiệu năng query vì câu query của bạn sẽ được tính toán trên nhiều máy thay vì 1 máy.

Trong Sql thì mình dùng chủ yếu dạng range partition chia dữ liệu của mình theo thời gian để thực hiện query nhanh hơn và khi cần thì xóa 1 partition sẽ nhanh hơn rất nhiều việc xóa bằng lệnh delete.

Có 2 dạng partition :

  • Hash
  • Range

Lưu ý khi chia partition

Một bảng trong Sql của bạn có nhiều partition thì thực tế nó sẽ là một bảng Logic chứa nhiều bảng Vật lý bên dưới. Nghĩa là khi bạn tạo index trên bảng có partition thì nó sẽ là index của nhiều bảng khác nhau.

Vậy nên khi query dữ liệu mà nằm trên nhiều partition thì mặc dù bạn đã index trên trường dùng để partition nhưng nó sẽ là query trên nhiều bảng khác nhau và dùng nhiều cây index khác nhau điều đó khiến câu query sẽ không tận dụng được tối đa index cũng như partition.

Vậy với partition dạng range thì đừng chia range quá nhỏ (mỗi ngày một partition) và số lượng partition có thể có cũng có giới hạn ví dụ Myslq sẽ có tối đa 8192 cho một bảng dữ liệu.

Type of column

Khi thiết kế database thì chỉ nên chọn kiểu dữ liệu vừa đủ cho cột bạn đang sử dụng. Kiểu dữ liệu càng nhỏ sẽ giúp CPU tính toán càng nhanh cũng như chiếm dung lượng nhỏ khi lưu.

Một sai lầm phổ biến mình thấy các bạn hay mắc đó là dùng string để lưu kiểu số. Và dùng các kiểu số quá lớn để lưu số nhỏ.

Bulk insert/update

Insert

Câu hỏi là bạn muốn insert 1 triệu dữ liệu vào database thì cách nào sẽ là cách tối ưu nhất. Nhiều bạn sẽ trả lời ngay là sử dụng batch insert của các framework của các bạn hay sử dụng. Điều đó đúng nhưng chúng ta nên biết câu lệnh sql sẽ là gì và các bạn khi sử dụng các orm framework cũng nên cẩn thận vì nó cũng có rất nhiều cú lừa.

Câu lệnh insert dữ liệu một cách nhanh nhất vào database là dạng :

INSERT INTO tbl_name (a,b,c) VALUES(1,2,3),(4,5,6),(7,8,9);

Một số ORM sẽ sử dụng dạng Batch như sau để insert vào database :

set autocommit = 0;
INSERT INTO tbl_name (a,b,c) VALUES(1,2,3);
INSERT INTO tbl_name (a,b,c) (4,5,6);
INSERT INTO tbl_name (a,b,c)(7,8,9);
commit

Đây sẽ là gửi nhiều câu insert lên một lúc không phải dạng bulk insert. Để khắc phục điều này thì bạn nên sử dụng một config của jdbc là rewriteBatchedStatements=true. Trước khi gửi lên sql server thì jdbc sẽ thực hiện rewrite query của bạn thành dạng có thể insert nhanh nhất.

Update

Bây giờ mong muốn update 1 triệu dữ liệu vào database thì cách nào sẽ là nhanh nhất. Cũng tương tự như insert các database cung cấp cho chúng ta query sau để thực hiện update nhanh nhất.

INSERT into `table` (id, fruit)
    VALUES (1, 'apple'), (2, 'orange'), (3, 'peach')
    ON DUPLICATE KEY UPDATE fruit = VALUES(fruit);

Có thể sử dụng thêm lệnh IF của SQL để xác định update giá trị mới hay là giữ nguyên giá trị cũ khi thực hiện update

Bạn tham khảo tại Link sau : dev.mysql.com/doc/refman/8.0/en/insert-on-d..

Paging in SQL

Khi học trong trường đại học và các bài tutorial dành cho người mới mình đã từng đọc cũng như các framework nổi tiếng đang thực hiện phân trang bằng query này.

SELECT film_id, description FROM sakila.film ORDER BY title LIMIT 50, 5;

Điều này sẽ trở lên rất tốn chi phí nếu offset của bạn quá lớn giả sử LIMIT 10000, 20 thì database sẽ thực hiện tạo ra 10020 của câu query và sau đó vât đi 10000 kết quả.

Mình khuyên mọi người nên chuyển sang một dạng query khác như :

SELECT * FROM sakila.rental
  WHERE rental_id < 16030
 ORDER BY rental_id DESC LIMIT 20;

Dạng này thì bạn cần một trường unique. Link để mọi người tham khảo tốc độ query sẽ tốt hơn như thế nào khi chuyển sang dạng này.

Với dạng paging theo kiểu limit,order by mình thường xuyên sử dụng trong các job tạo báo cáo vì nó giúp mình lấy hết dữ liệu ra nhưng không gây out of memory cũng như nhanh hơn kiểu limit,offset rất nhiều vì dữ liệu cần lấy sẽ khiến cho offset là rất lớn.

Một điểm tối ưu nữa của phương pháp này là rất có thể order by sẽ tận dụng được index.

Query – Strategery

Khi thực hiện select Mysql cung cấp cho các bạn 3 loại query khác nhau:

  • normal
  • cursor
  • stream

Thật sự cách đây một năm thì mình không biết được là Mysql cung cấp cho chúng ta 3 loại query khác nhau cho đến khi mình gặp bài toán cần phải lấy một lượng lớn dữ liệu trong Mysql ra một cách nhanh nhất và không gây out of memory. Trước đó mình đã sử dụng dạng cải tiến của Paging như đã trình bày ở bên trên nhưng nó vẫn chưa phải là cách nhanh nhất.

Mình sẽ đính kèm Link về các dạng query này : https://dev.mysql.com/doc/connector-j/8.0/en/connector-j-reference-implementation-notes.html

Normal

Bạn cần lấy hết dữ liệu của bảng film để lưu xuống file. Bạn thực hiện câu query sau :

SELECT * FROM sakila.film;

Khi các bạn sử dụng ORM để lấy dữ liệu ra và nó sẽ load hết dữ liệu vào RAM của bạn và nếu bảng film to quá thì nó sẽ gây lên out of memory.

Tại đây bạn nghĩ mình nên sử dụng trực tiếp jdbc để lấy dữ liệu ra vì nó trả kết quả vào các Resultset và có các hàm next() để lấy dữ liệu và bạn hy vọng nó sẽ cache 1 phần dưới Application và khi nào hết sẽ thực hiện gọi lên mysql server để lấy kết quả về. Bạn vui vẻ thực hiện và kết quả vấn là out of memory.

Khi bạn không config gì đặc biệt thì jdbc sẽ sử dụng dạng query này cho bạn. Nó sẽ lấy hết dữ liệu từ sql server xuống lưu trong RAM và bạn sẽ lấy kết quả từ RAM ra.

Dạng này sẽ phù hợp với hầu như mọi yêu cầu của bạn trừ trường hợp bạn muốn lấy quá nhiều dữ liệu. Nếu muốn lấy quá nhiều dữ liệu mà không muốn out of mem thì hãy sữ dụng Paging kết với với dạng query này.

Cursor

Cũng đề bài như trên nhưng với một số config nhỏ như sau:

conn = DriverManager.getConnection("jdbc:mysql://localhost/?useCursorFetch=true", "user", "s3cr3t");
stmt = conn.createStatement();
stmt.setFetchSize(100);
rs = stmt.executeQuery("SELECT * FROM your_table_here");

Khi thực hiện câu query

SELECT * FROM sakila.film;

thì nó sẽ không fetch hết dữ liệu về Application cho bạn nữa và chỉ giới hạn 100 kết quả một lần nó sẽ không gây tăng memory cho hệ thống của bạn.

Nhưng khi sử dụng dạng query này nó có các nhược điểm sau :

  • Tăng tải lên sql server : Server sẽ phải thực hiện tính toán câu query sau đó tạo một vùng nhớ tạm thời để lưu kết quả của câu query sau khi lưu hết kết quả vào vùng nhớ tạm thời đó thì mới trả lại cho client cuối cùng sẽ xóa vùng nhớ đó đi. Điều này thật sự tốn kém đó.
  • Kết quả sẽ lâu hơn vì phải chờ server lưu kết quả xuống ổ đĩa xong thì mới có thể trả lại kết quả cho client

Mình nghĩ không nên dùng loại này.

Stream

Đây là dạng query nhanh nhất bạn có thể sử dụng để lấy dữ liệu từ mysql ra và không gây out of memory.

Cũng là đề bài của loại normal với các config sau jdbc và server sẽ thực hiện trả kết quả dưới dạng stream :

stmt = conn.createStatement(java.sql.ResultSet.TYPE_FORWARD_ONLY,
              java.sql.ResultSet.CONCUR_READ_ONLY);
stmt.setFetchSize(Integer.MIN_VALUE);

Với từng loại ORM khác nhau sẽ có cách cho các bạn config khác nhau nên ở đây mình chỉ config cho jdbc.

Với dạng này khi nào bạn thật sự cần dữ liệu thì nó mới fetch dữ liệu đó từ server về cho bạn.

Nếu câu query của bạn quá phức tạp và việc sử dụng paging với dạng normal khiến mất quá nhiều thời gian thì bạn mới suy nghĩ chuyển sang dạng stream này vì nó cũng có một số nhược điểm sau :

  • Khi nhận được kết quả thì connection chưa thể sử dụng để thực hiện query mới được nếu bạn trả connection vào pool thì sẽ sảy ra lỗi nếu hệ thống dùng connection đó query tiếp.
  • Phải tốn chi phí duy trì connection đến khi lấy hết dữ liệu và nếu không may nó bị mất kết nối thì sẽ có lỗi sảy ra.

Tổng kết

Bài này tổng hợp hết kiến thức của mình đã thực sự đã dùng trong các dữ án để nâng cao hiệu năng tổng thể khi làm việc với mysql. Mình có thể update thêm vào bài này nếu mình tìm được một điều gì đó hay hơn hoặc là mình nhớ ra điều gì đó.

Vì đây là bài viết tổng hợp nên có rất nhiều phần mình chỉ tóm gón lại cách sử dụng nhưng chưa nói cụ thể tại sao lại như thế nên các bạn nên search các tài liệu khác để nắm rõ hơn những phần đó hoặc ủng hộ mình để mình ra phần tiếp theo nhé. Hãy vote sao vì nó miễn phí.

Kiến thức mình có là do đồng nghiệp cung cấp khi làm các bài toán và từ 2 quyển sách rất tuyệt vời sau:

  • SQL Performance Explain. Cảm ơn thầy Trần Việt Trung đã giúp em có kiến thức đầu đời này.
  • High Performance Mysql. Cảm ơn anh Lâm đồng nghiệp đã cho em thêm 1 tài liệu hay.

Mình khuyên các bạn đọc bài này của mình là có chỗ nào không hiểu thì đừng vội tin những gì mình viết hãy thực hành luôn điều đó và khiến nó thành kiến thức của các bạn mình cũng đã bị nhiều bài tutorial trên mạng lừa nhiều rồi nên bạn đừng tin ai cả. Lập trình là môn thực hành

Sưu tầm: TopDev

Tags:

0 Lời bình

Gửi Lời bình

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BẠN MUỐN HỌC LẬP TRÌNH?

GỌI NGAY

098 953 44 58

Đăng ký tư vấn lộ trình học lập trình

Đăng ký tư vấn, định hướng lộ trình học và giải đáp các thắc mắc về ngành nghề – Miễn phí – Online.

8 + 9 =

TƯ VẤN VỀ LỘ TRÌNH HỌC NGHỀ LẬP TRÌNH TẠI CODEGYM
TƯ VẤN VỀ LỘ TRÌNH HỌC NGHỀ LẬP TRÌNH TẠI CODEGYM