Ngành công nghệ thông tin (CNTT) đang rất Hot và là xu hướng theo học của rất nhiều học sinh. Tuy nhiên, nhiều bạn sinh viên năm nhất khi mới vào trường lại gặp phải nhiều bỡ ngỡ, do cách thức học tập trên giảng đường đại học hoàn toàn khác với cách mà bạn vẫn quen khi học cấp 3. Bài viết này CodeGym sẽ chia sẻ Top 4 những sai lầm của sinh viên IT mà năm 1 hoặc năm 2 dễ dàng mắc phải.
Nội dung
1. Không có định hướng học tập rõ ràng
Đây là một sự thật đáng buồn nhưng lại diễn ra ở hầu hết các ngành chứ không chỉ riêng với IT. Tuy nhiên, do đặc thù của ngành CNTT là cập nhật với tốc độ nhanh. Nên hiện nay vẫn có rất nhiều khái niệm trong ngành nghề chỉ dừng lại ở mức tương đối mà chưa được định nghĩa chính xác. Và điều này vô tình đã gây ra thêm nhiều khó khăn với các bạn sinh viên IT năm nhất. Thậm chí là năm 2, năm 3 trong việc hiểu rõ ngành IT là gì và con đường sự nghiệp của bạn sẽ phát triển như thế nào.
Để khắc phục khó khăn trên, CodeGym khuyên bạn nên bắt đầu hãy tìm hiểu về IT qua những khái niệm cơ bản và đào sâu vào nó. Ví dụ như lập trình viên thì nên tìm hiểu về back end, front end, mobile app,…
Ngoài ra, bạn cũng nên theo dõi các tạp chí, blog về IT để học hỏi được các kiến thức mới từ những người đi trước. Một số trang chia sẻ kiến thức công nghệ thông tin khá hay bằng tiếng Việt như:
- CodeGym
- CodeLearn
- Viblo
- Tôi đi code dạo
2. Là sinh viên IT nhưng không biết nên chọn ngôn ngữ nào để học?
Bất kể ai khi mới tiếp xúc với lập trình cũng sẽ đặt ra câu hỏi “Nên học ngôn ngữ lập trình nào?”. Khi nghe đến câu hỏi này, CodeGym tưởng tượng rằng: Bạn đang có mong muốn chọn cho mình một món “vũ khí” và gắn bó với nó trong suốt quãng đường sự nghiệp của mình. CodeGym xin “mách” bạn rằng trong thế giới công nghệ có đến hàng trăm ngôn ngữ khác nhau. Và thi thoảng lại có một ngôn ngữ mới ra đời để phục vụ cho một yêu cầu nào đó. Và một sản phẩm công nghệ không hề được tạo ra chỉ một ngôn ngữ hay một công nghệ. Mà được kết hợp từ nhiều ngôn ngữ và nhiều công nghệ khác nhau.
Vì vậy, câu hỏi đúng nên là “Nên học ngôn ngữ lập trình nào đầu tiên?” hoặc “Nên chọn ngôn ngữ nào là ngôn ngữ chính của mình?”. Đây là điều cần xác định rõ ràng. Bởi vì nó liên quan trực tiếp đến con đường sự nghiệp của bạn sau này. Việc bạn có định hướng làm lập trình web hay mobile sẽ quyết định bạn nên chọn ngôn ngữ nào.
Có lẽ với những câu hỏi trên thì phần lớn các bạn là chưa thể trả lời ngay được. Tuy nhiên, việc chuẩn bị trước không bao giờ là thừa. Chưa kể đến việc trong 1 – 2 năm đầu các bạn sẽ được học và làm quen với các môn đại cương về ngành. Điển hình không thể tránh khỏi là học lập trình với ngôn ngữ C/C++. Sau một thời gian, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc chọn code ngôn ngữ nào (Java, C#, PHP), thích mảng nào (web, mobile, nhúng). Mỗi trường đều có chuyên ngành hoặc môn học chuyên sâu để bạn đăng ký
3. Lơ là việc học Tiếng Anh
Lĩnh vực IT rất cần khả năng dùng Tiếng Anh thành thạo, ít nhất bạn phải có khả năng đọc hiểu tài liệu kỹ thuật tiếng Anh. Bởi thực tế thì các tài liệu tiếng Việt khá ít hay thậm chí còn dịch không sát nghĩa, gây khó hiểu hay thậm chí là sai hẳn bản chất vấn đề.
Vì thế, học ngoại ngữ là vô cùng quan trọng nếu bạn muốn đi nhanh và đi xa trong lĩnh vực này. Bạn sẽ gặp bất lợi rất lớn nếu như bạn không thể tiếp cận với nguồn tài liệu IT khổng lồ trên mạng. Sau khi trau dồi vốn ngoại ngữ ở mức khá, bạn sẽ cảm nhận được giá trị của việc này khi tìm hiểu một thông tin mới về thị trường công nghệ trên thế giới. Hay lúc tự mình giải quyết vấn đề trong quá trình học tập và làm việc mà không bị giới hạn nguồn tham khảo.
4. Không cần học nhiều, sau này doanh nghiệp sẽ đào tạo lại
Nếu bạn có suy nghĩ rằng, không cần phải học chuyên ngành giỏi chỉ cần tập trung học ngoại ngữ vì sau đi làm công ty sẽ đào tạo lại chuyên môn cho mình, thì suy nghĩ đó không hoàn toàn chính xác. Nói chính xác hơn thì không phải là đào tạo lại mà là đào tạo tiếp. Ví dụ như:
- Nội quy, chính sách của công ty, nội quy nhóm…
- Kỹ năng quản lý thời gian, quản lý công việc…
- Cách phối hợp với team
- Cách xử lý công việc, sự cố…
Tuy vẫn có những ngoại lệ như các công ty nước ngoài vẫn đào tạo lại cho phù hợp với nhu cầu, “cầm tay chỉ việc”. Tuy nhiên, bạn cũng đừng nên vì vậy mà ỷ lại. Nếu yếu chuyên môn thì bạn sẽ gặp khó khăn kể từ vòng phỏng vấn. Bạn cần nhớ rằng doanh nghiệp tuyển bạn về để bạn tạo ra giá trị cho công ty chứ không phải để đào tạo. Đào tạo lại bạn đồng nghĩa họ phải bỏ tiền ra. Đây chính là lý do rất nhiều công ty tuyển nhân viên sẽ có một yêu cầu là đã có kinh nghiệm. Đơn giản vì họ không có đủ thời gian và kinh phí để đào tạo bạn.
Kết luận
Trên đây là 4 điều mà CodeGym chia sẻ về một vài sai lầm cơ bản mà các bạn tân sinh viên IT dễ dàng mắc phải. Sau 1 kì thi Đại học vất vả, bên cạnh việc nghỉ ngơi thì CodeGym mong các tân sinh viên có thể sớm cân nhắc, định hướng tương lai, chăm chỉ học tập để tránh phạm vào các sai lầm trên.
0 Lời bình