Trang chủ » Blog » Coding Bootcamp » Coding Bootcamp: Lời giải cho bài toán nhân lực CNTT (Báo Khoa học & Phát triển)

Coding Bootcamp: Lời giải cho bài toán nhân lực CNTT (Báo Khoa học & Phát triển)

bởi CodeGym | 26/12/2023 17:41 | Blog | Coding Bootcamp

Kể từ khi ra đời ở Mỹ vào khoảng năm 2011, mô hình Coding Bootcamp với ý tưởng rút ngắn thời gian đào tạo, giảm thiểu chi phí, bám sát thị trường và kiểm soát được chất lượng đầu ra đã phát triển nhanh chóng và tạo ảnh hưởng rất lớn không chỉ ở Mỹ mà còn ở nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Quả bóng “trách nhiệm đào tạo” bị đá qua lại giữa nhà trường và doanh nghiệp

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong Quý 1 – 2019, cả nước có gần 1,1 triệu người ở độ tuổi lao động thất nghiệp, trong đó, thanh niên ở độ tuổi từ 15 đến 24 chiếm đến 40,4%.

Ở chiều hướng ngược lại, ngành CNTT lại đang rơi vào tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng.

Tại triển lãm về phát triển nguồn nhân lực CNTT & TT năm 2019, các chuyên gia ước tính mỗi năm Việt Nam đang cần khoảng 78.000 chuyên gia CNTT, và đến năm 2020 sẽ thiếu khoảng 400.000 nhân lực CNTT. Còn theo một khảo sát được công bố bởi TopDev thì nhu cầu tuyển dụng ngành CNTT tăng trưởng hơn 50%/năm trong những năm gần đây.

Việc thiếu hụt nhân lực CNTT trầm trọng trong một thời gian dài như vậy gây ra rất nhiều hệ lụy cho hướng phát triển của ngành này, trong đó nổi bật nhất là sự thiếu ổn định về nhân sự của các công ty CNTT.

Các công ty CNTT đang cạnh tranh nhau để lôi kéo nhân sự bằng việc nâng cao mức lương một cách bất thường trong một thời gian dài, dẫn đến tình trạng “bong bóng lương”. Trong khi năng lực của nhân sự chưa được đầu tư để nâng cao xứng đáng thì mức thu nhập lại được đẩy lên, khiến tình trạng mất cân bằng ngày càng trầm trọng. Có thể nói, các doanh nghiệp CNTT đang rất loay hoay và khó khăn trong việc xây dựng một nền tảng nhân lực bền vững.

Tại sao trong khi rất nhiều thanh niên đang thất nghiệp thì ngành CNTT lại thiếu người trầm trọng? Tất nhiên, lí do đầu tiên phải kể đến là sự yếu kém trong việc định hướng nghề nghiệp và cả trong hoạt động đào tạo CNTT của các trường đại học và các cơ sở đào tạo khác nói chung.

Theo một số thống kê, hằng năm cả nước có khoảng 35.000 nhân lực CNTT tốt nghiệp các trường đại học và cơ sở đào tạo khác. Nhưng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận định, có tới 70% số nhân lực mới này không đáp ứng được năng lực để làm việc ngay, mà cần phải đào tạo lại trong vòng 3-4 tháng tại doanh nghiệp.

Có thể nói, quả bóng “trách nhiệm đào tạo” đang được đá qua lại giữa các trường và doanh nghiệp. Trong khi doanh nghiệp than vãn về chất lượng đầu ra của các trường, thì các trường lại xem việc đào tạo lại ở doanh nghiệp là điều hiển nhiên, bởi các trường chỉ có trách nhiệm trang bị cho sinh viên các năng lực nền tảng.

Khó khăn của các trường ở chỗ chương trình đào tạo cồng kềnh và không bám sát được nhu cầu của doanh nghiệp. Thị trường CNTT phát triển rất nhanh chóng và luôn có những thay đổi lớn trong thời gian ngắn; với cách thiết kế chương trình và triển khai đào tạo như hiện nay thì rất khó để thay đổi và cập nhật sao cho đầu ra bám sát nhu cầu của thị trường.

Trong khi đó, đào tạo lại đối với doanh nghiệp là một công việc “cực chẳng đã” vì doanh nghiệp vốn không có chuyên môn thiết kế chương trình và triển khai đào tạo, thường phải cử người kiêm nhiệm, chưa kể đến việc hao tốn thêm chi phí.

Tại sao Coding Bootcamp?

Thực trạng thiếu nhân lực CNTT không chỉ có ở Việt Nam, mà đã xảy ra ở hầu hết các thị trường có nền CNTT phát triển trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Do đó, khoảng từ năm 2011, ở Mỹ đã xuất hiện một mô hình đào tạo CNTT mới được gọi là Coding Bootcamp với ý tưởng rút ngắn thời gian đào tạo, giảm thiểu chi phí, bám sát thị trường và kiểm soát được chất lượng đầu ra. Kể từ đó đến nay, mô hình này đã phát triển nhanh chóng và tạo ảnh hưởng rất lớn không chỉ ở Mỹ mà còn ở hầu hết các quốc gia có nền CNTT phát triển.

Riêng ở Mỹ, thống kê đến năm 2016 cho biết, lượng nhân lực CNTT tốt nghiệp từ các Coding Bootcamp đã chiếm đến 1/3, phần còn lại là từ các trường đại học và các cơ sở đào tạo truyền thống. Theo báo cáo của Course Report, kể từ năm 2013 đến 2019, số lượng học viên tốt nghiệp các Coding Bootcamp ở Mỹ đã tăng gấp 9 lần.

Thành công của Coding Bootcamp tạo hiệu ứng tốt đến mức mô hình này đã được mang vào áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác. Bắt đầu xuất hiện các Bootcamp cho Data Science (Khoa học dữ liệu), UX Design (Thiết kế trải nghiệm người dùng), Digital Marketing (Tiếp thị số), Security (Bảo mật)…

Thậm chí, Ngân hàng Thế giới đã đưa Coding Bootcamp trở thành một mô hình được khuyến cáo cho các quốc gia áp dụng nhằm đẩy nhanh tốc độ đào tạo và đáp ứng được nhu cầu về số lượng nhân lực CNTT. Không chỉ khuyến cáo, Ngân hàng Thế giới còn cung cấp nhiều tài liệu chi tiết cùng các hướng dẫn để hỗ trợ các quốc gia trong việc thiết lập và triển khai mô hình Coding Bootcamp.

Coding Bootcamp là mô hình đào tạo lập trình hướng đến việc nâng cao hiệu quả học tập thông qua tổ chức môi trường học tập dưới dạng các “trại huấn luyện” cường độ cao, thời gian ngắn, thực chiến và thực tế. Mô hình này có nhiều đặc điểm khác biệt so với các mô hình truyền thống, có thể tóm lược ở một số khía cạnh như mục đích, thời gian, chương trình, đánh giá, công nghệ, chi phí… như trong Bảng 1 dưới đây.

Bảng 1

Bảng 1

Ở Việt Nam, mô hình Coding Bootcamp được triển khai lần đầu vào khoảng năm 2017; và đến thời điểm hiện tại, đã có thêm một số đơn vị nữa manh nha chuyển đổi và áp dụng. Thống kê của hệ thống đào tạo lập trình hiện đại CodeGym cho thấy, có khoảng 300 người đang theo học tại các trung tâm Coding Bootcamp, và đã có hơn 200 lập trình viên tốt nghiệp từ các trung tâm này.

Con số 200 lập trình viên tốt nghiệp từ Coding Bootcamp có vẻ khá khiêm tốn nhưng lại thể hiện một bước đột phá rất lớn về tính hiệu quả của mô hình. Chúng ta cần biết rằng, để xây dựng và triển khai một mô hình đào tạo mới, thông thường các cơ sở cần thời gian tương đối dài lên tới vài năm, trong khi đó Coding Bootcamp đầu tiên ở Việt Nam cũng chỉ mới có tuổi đời hơn 2 năm.

Ở một góc nhìn khác, số sinh viên CNTT tốt nghiệp ở một trường đại học lớn ở Việt Nam cũng chỉ vào khoảng 300-400 em/năm, điều đó có nghĩa là quy mô của các Coding Bootcamp đã tương đương hoặc là lớn hơn nhiều trường đào tạo CNTT truyền thống, nếu xét trên phương diện đóng góp nhân lực cho thị trường.

Cũng theo quan sát và khảo sát của CodeGym, các doanh nghiệp CNTT đánh giá cao thái độ nghề nghiệp và kỹ năng làm việc của các lập trình viên tốt nghiệp từ các Coding Bootcamp.

Đặc điểm nổi bật nhất của Coding Bootcamp ở Việt Nam đó là chương trình đào tạo chỉ kéo dài từ 5-6 tháng đối với người bắt đầu từ con số 0 cho đến khi làm được việc tại doanh nghiệp. Để rút ngắn thời gian đào tạo như vậy thì nội dung của chương trình phải rất cô đọng và bám sát nhu cầu của doanh nghiệp, và thời gian học tập thường là toàn thời gian.

Học viên tham gia học tập tại các trung tâm với thời lượng 8 giờ/ngày, tương đương thời gian đi làm tại các doanh nghiệp. Với việc dành toàn bộ thời gian để học tập, học viên hết sức tập trung và đạt được sự tăng trưởng nhanh chóng về năng lực. Nhờ yếu tố này, mô hình Bootcamp rất phù hợp cho các đối tượng mong muốn chuyển đổi nghề nghiệp sang CNTT.

Theo thống kê của CodeGym, có đến 47% học viên đang theo học thuộc diện chuyển ngành, chuyển nghề, có nghĩa là xuất phát điểm từ các nghành nghề khác, bao gồm cả những người chỉ mới tốt nghiệp cấp 3 hoặc đã đi làm ở các ngành nghề khác. Có nhiều trường hợp, học viên xuất thân là những người lao động trong các ngành không liên quan đến công nghệ như báo chí, nhân sự, kinh doanh, lao động phổ thông…

Những khó khăn trong triển khai

Khó khăn lớn nhất liên quan đến việc xây dựng được một chương trình đào tạo hiệu quả, trong đó đòi hỏi khá cao về chuyên môn thiết kế chương trình – một lĩnh vực mà mặt bằng chung ở Việt Nam đang rất thấp. Một chương trình đào tạo tốt đòi hỏi nhiều yếu tố, chẳng hạn như dễ học, dễ dạy, dễ mở rộng, dễ nâng cấp, dễ truyền thông, dễ quản lí… Do đó, nếu không có một đội ngũ nhân sự có kỹ năng tốt về thiết kế chương trình đào tạo thì sẽ khó có một chương trình hiệu quả cao.

Khó khăn thứ hai cũng xuất phát từ yếu tố đầu tiên, đó là không dễ mở rộng các trung tâm mà vẫn đảm bảo chất lượng đào tạo đồng đều. Với quy mô nhỏ thì việc triển khai đào tạo có thể kiểm soát được thông qua hoạt động rà soát thường xuyên, nhưng khi nhân rộng mô hình, đòi hỏi phải có những hệ thống hỗ trợ quản lí và theo dõi một cách sát sao nhất.

Theo kinh nghiệm của CodeGym, các yếu tố trên có thể giải quyết được thông qua việc áp dụng Công nghệ Giáo dục một cách bài bản và có hệ thống. Công nghệ Giáo dục ở đây bao gồm cả ở triết lý đào tạo, các phương pháp và kỹ thuật giảng dạy cũng như sử dụng các hệ thống CNTT để nâng cao năng suất và chất lượng đào tạo. Việc đầu tư cho Công nghệ Giáo dục và các hệ thống là việc làm bắt buộc và mang yếu tố quyết định đến hiệu quả và hướng đi dài hạn của các trung tâm Coding Bootcamp.

Nguyễn Khắc Nhật (Đồng sáng lập CodeGym)
Link bài gốc trên báo Khoa học và Phát triển: http://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/chuong-trinh-horizon-chau-au-nguy-co-cat-giam-ngan-sach/2019110709102014p1c785.htm

Tags:

0 Lời bình

Gửi Lời bình

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BẠN MUỐN HỌC LẬP TRÌNH?

GỌI NGAY

098 953 44 58

Đăng ký tư vấn lộ trình học lập trình

Đăng ký tư vấn, định hướng lộ trình học và giải đáp các thắc mắc về ngành nghề – Miễn phí – Online.

5 + 7 =

TƯ VẤN VỀ LỘ TRÌNH HỌC NGHỀ LẬP TRÌNH TẠI CODEGYM
TƯ VẤN VỀ LỘ TRÌNH HỌC NGHỀ LẬP TRÌNH TẠI CODEGYM