Có thể nói, IT là một trong những ngành HOT trên thị trường lao động hiện nay với nhu cầu tuyển dụng rất lớn. Với đặc điểm là một ngành mở có nhiều tiềm năng phát triển, IT thu hút sự chú ý và quan tâm của đông đảo các bạn trẻ không chỉ với những bạn có bằng cấp chuyên ngành IT mà còn với những bạn trái ngành nhưng có sự hứng thú với nghề. Chính vì điều này mà thị trường tuyển dụng việc làm IT ghi nhận rất nhiều bạn trẻ ứng tuyển với bằng cấp chuyên ngành khác nhau.
Để trở thành một lập trình viên thực thụ, chúng ta có thực sự cần đến một tấm bằng đại học?
Hãy cùng lắng nghe câu chuyện và những chia sẻ chân thành từ anh Nông Tiến Bắc. Anh hiện đang là CEO của Dailyshare Việt Nam, TechnologyProject Manager/Solution Architect tại FPT Software, 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển phần mềm, chuyên gia .NET, Java, Mobile, Agile, Scrum.
DOWNLOAD NGAY BỘ TÀI LIỆU KỸ NĂNG CHO LẬP TRÌNH VIÊN TẠI ĐÂY!
Nội dung
“Bén duyên” với lập trình từ đam mê âm nhạc
Chào các bạn,
Mình xin tự giới thiệu, tên đầy đủ của mình là Nông Tiến Bắc. Nói về tuổi tác thì so với các bạn, chắc mình thuộc team già mất rồi. Mà già thì mới có cái để chia sẻ chứ.
Mình tự nhận xét, mình chẳng phải người học kém nhưng lại không toàn tâm toàn ý cho việc học… Bởi mình đam mê âm nhạc từ bé, lúc nào cũng chỉ muốn thôi thúc được theo nghệ thuật. Rồi đến năm lớp 6, có bao nhiêu tiền mừng tuổi là mình dồn hết cùng anh trai mua cây đàn guitar đầu tiên. Cả hai anh em mê mẩn và cùng năm đó mình đã có sáng tác đầu tiên.
Và rồi, chính đam mê âm nhạc đã giúp mình bén duyên với ngành lập trình. Một ngày năm lớp 8, ngày mà anh trai mình mua chiếc đĩa CD Visual Basic đầu tiên về và nói “Cài vào mà nghịch thử đi, đừng cài đặt linh tinh các cái khác nữa hỏng máy của anh”. Mình cài đặt xong, mở nó lên và thấy nó hiện ra cái Form đầu tiên. Kéo thả button, textbox và rồi cố làm sao vẽ ra được giao diện giống chương trình BKAV và D32.
Từ lúc đó, mình tự hỏi giờ phải làm sao để khi click chuột vào nút đó thì sẽ phải có điều gì đó xảy ra (event). Mình đi ra ngoài hiệu sách, tìm đúng cuốn dạy Visual Basic và đọc qua thấy đây đúng là cái mình cần rồi. Mình lao vào học và học, tự mày mò, vào thời điểm đó, một chiếc đĩa mềm chỉ đủ mang ra ngoài hàng Net download 1,2 ví dụ để học. Rất vất vả và không hề dễ dàng, sẵn có như bây giờ.
Đến năm lớp 10, mình tham gia chương trình Khám Phá Thế Giới Computer của đài VTV và được giải nhì, sau đó là giải “động viên” từ cuộc thi Trí Tuệ Việt Nam năm 2003.
Những năm tháng cấp ba trôi đi với mình thật đáng nhớ, mình chưa nói mình có một ban nhạc Rock khi bắt đầu vào lớp 10. Vậy là mình có hai đam mê, một là lập trình, hai là nhạc rock. Hai đam mê này dường như chẳng hề liên quan tới nhau. Và ai cũng nói như vậy!
Lập trình & chơi nhạc, chơi nhạc & đi diễn. Nói vậy chứ mình vẫn học văn hóa tốt, chỉ riêng có môn hóa là dốt đặc cắn mai, học mãi không giỏi.
Bước ngoặt quyết định
Điều gì đến cũng phải đến, bước vào kì thi đại học năm 2005. Mình đã không đủ điểm…vì môn Hóa. Mình đã stress rất nhiều vì bố mẹ là người rất mong muốn mình có bằng đại học. Ông bà làm lụng vất vả chỉ mong mình học hành nên người. Càng nghĩ về điều đó, mình càng thấy có lỗi và cảm thấy ân hận. Mỗi ngày ở nhà không học gì, chờ bố mẹ về và ăn cơm, cảm thấy cuộc sống thật thảm hại… Một hôm mình nói với mẹ, mẹ ơi con sẽ ôn thi lại đại học nhưng mẹ cho con đi học lập trình. Con rất đam mê lập trình và con nghĩ con làm được…
Nhà mình lúc đó nghèo, bố mẹ chẳng có tiền để cho mình đi học. Mình vẫn nhớ mẹ phải đi vay tiền cho mình học và nhắc mình, hãy nhớ những đồng tiền này và học cho tốt và khi đi làm hãy biết làm việc chăm chỉ mà trả nợ lại bố mẹ!…
Mình vừa học lập trình, vừa ôn thi lại đại học. Trong gần 3 năm học lập trình, kỳ project nào mình cũng đạt điểm rất cao và mình đạt bằng xuất sắc khi tốt nghiệp.
Trước khi tốt nghiệp bảo vệ project cuối cùng một tuần, mình đã được công ty của Đan Mạch phỏng vấn và tuyển dụng. Và đúng vậy, họ tuyển mình khi mình còn chưa tốt nghiệp, trong tay duy nhất chỉ có một tấm bằng cấp 3.
Bằng cấp có thực sự quan trọng trong ngành IT?
Vậy tại sao họ lại tuyển người không có bằng cấp? Vì đơn giản ngành IT nói chung, lập trình viên nói riêng, với những người phỏng vấn có kinh nghiệm, họ hoàn toàn biết ứng viên nào có năng lực tốt, họ không quan tâm mình có bằng cấp gì. Sau vài câu hỏi, một hai bài test ngắn, họ có thang điểm đánh giá rất chính xác về ứng viên mà họ cần.
Trong thời gian làm việc toàn thời gian tại công ty của Đan mạch (9 năm 11 ngày), mình có thêm rất nhiều chứng chỉ, bằng cấp khác. Nhưng cuối cùng, khi chuyển sang công ty mới, tất cả những thứ đó chỉ là làm đẹp CV của mình hơn mà thôi. Còn năng lực mới là thứ đi theo bạn suốt quãng đời làm việc.
Mình cũng đã từng tham gia phỏng vấn nhiều bạn trẻ. Có một điều mình thấy mà rất nhiều bạn đã không chuẩn bị tốt cho mình, đó là trang bị cho mình kiến thức cơ bản tốt. Kiến thức và kinh nghiệm nó như là một căn nhà với cái móng tốt. Việc mở rộng, học thêm cũng ví như việc xây thêm tầng nữa. Nếu cái móng không tốt, càng xây nhà càng dễ đổ. Đặc biệt với thời đại công nghệ phát triển như vũ bão, mạng internet quá dễ dàng để tìm thấy nguồn thông tin cần học. Mọi người như quá độ, chỉ mong tìm thật nhanh những thứ cần học, làm thật nhanh và không quan tâm những gì cần học trước, cần học sau. Điều đó nguy hiểm vô cùng!
Những gì mình chia sẻ với các bạn là những bài học của những bạn trẻ từng vấp phải. Tự mình làm được, học được là điều rất tốt, nhưng sẽ càng tốt hơn ngàn lần khi có người đi trước chỉ dẫn. Thiên tài Isaac Newton đã từng nói: “Tôi có thể nhìn xa trông rộng hơn người khác, là vì tôi đứng trên vai người khổng lồ” . Vậy vì lý do gì khiến chúng ta, những người trẻ năng động phải “nhìn gần”. “Người khổng lồ” ở đây là những người thầy có tâm! Những người dành cả nửa đời người với nghề vì một tương lai phần mềm rạng ngời của dân tộc.
Chúc các bạn thành công nhé!
0 Lời bình