Ở độ tuổi 28-29, cái tuổi mà đa phần con người ta đã “An cư lạc nghiệp” thì anh Đức lại có quyết định chuyển nghề. Anh chia sẻ: “Cuộc sống của mình mang một màu sắc mới, tươi vui hơn từ khi bắt đầu với lập trình”. Hiện tại, khi đã đứng ở vị trí Team-Leader với những kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm mà anh đã tích lũy hãy cùng theo dõi những chia sẻ của anh về tầm quan trọng của ngoại ngữ đối với lập trình viên. CodeGym tin rằng những chia sẻ lần này sẽ giúp các bạn trẻ đang có ý định theo đuổi ngành CNTT tự tin hơn với lựa chọn của mình.
1/ Chào anh Đức, rất cảm ơn anh đã nhận lời tham gia phỏng vấn. Anh có thể chia sẻ một chút về lộ trình lên Leader và dự định sắp tới của mình được không ạ?

Sau khi tốt nghiệp tại CodeGym mình cũng xuất phát từ vị trí fresher, dần phát triển lên junior và hiện tại đang giữ vị trí Team Lead. Trong thời gian ở vị trí fresher, mình đã học thêm tiếng Anh doanh nghiệp, đọc thêm một số sách về kỹ năng mềm như Clean Code, The Pragmatic Programmer, DevUp,… Ngoài ra mình cũng đọc thêm một số sách về lập trình như The Effective Java, The Phoenix Project… Những cuốn sách này giúp mình xây dựng thói quen và lối tư duy phù hợp với công việc của một Developer, đồng thời khi đọc tài liệu bằng tiếng Anh cũng giúp mình trau dồi thêm rất nhiều về khả năng ngoại ngữ. Nhưng để lên vị trí Leader thì chỉ có kiến thức lập trình thôi là chưa đủ, mình cần học thêm các khóa về kỹ năng quản lý và kỹ năng lãnh đạo để có thể dẫn dắt và hỗ trợ các thành viên trong team.

Trong thời gian tới, mình sẽ củng cố những kiến thức và kỹ năng hiện tại, bổ sung và học hỏi thêm những kiến thức và kỹ năng còn thiếu, để hỗ trợ các thành viên trong team thực hiện tốt công việc và phát triển những điểm mạnh của mình.

2/ Anh cảm thấy điều gì đã giúp ích cho anh nhiều nhất trong quá trình trở thành một Leader?

Đối với mình có lẽ đó là tính kỷ luật. Mình luôn quan niệm một người Leader ngoài nắm được các kiến thức chuyên sâu về ngôn ngữ lập trình đang sử dụng trong công việc còn cần chuẩn bị thêm cho mình một lượng kiến thức rộng hơn về logic nghiệp vụ, kiểm thử và quản lý chất lượng, quản lý dự án… Bên cạnh đó là rèn luyện không ngừng các kỹ năng mềm như giao tiếp (cả tiếng Anh và tiếng Việt), thuyết trình, quản lý thời gian… muốn làm được điều đó bản thân mình cần phải có tính kỷ luật cao để làm việc theo đúng kế hoạch và mục tiêu đã đề ra. Bên cạnh đó là biết cách đặt mục tiêu sao cho phù hợp với năng lực và thời gian của bản thân. Những kỹ năng và kiến thức trên mình đã được biết, được học và trải qua một khoảng thời gian thực hành tại CodeGym sau đó áp dụng và trau dồi thêm trong công việc hiện tại.

3/ Được biết NTTData VDS là một công ty Global, anh cảm thấy ngoại ngữ có tầm ảnh hưởng như thế nào trong công việc hàng ngày của mình?

Trong công việc mình phải sử dụng tiếng Anh hàng ngày để giao tiếp với các thành viên đến từ nhiều nước khác nhau. Tuy dự án phát triển theo mô hình SCRUM và Agile nhưng mình cũng cần phải viết tài liệu, email để trao đổi giữa các bên liên quan. Hơn nữa, các kiến thức và tài liệu về chuyên ngành đều viết bằng tiếng Anh nên mình thấy ngoại ngữ có tầm quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đến công việc chuyên môn và môi trường làm việc của mình.

4/ Theo anh để lên Leader thì ngoại ngữ có phải một yếu tố quan trọng không ạ? Ngoại ngữ ở trình độ nào là đủ?

Để trở thành một Leader ngoại ngữ là một yếu tố quan trọng cần được học hỏi và trau dồi. Tùy vào môi trường làm việc cụ thể, lượng kiến thức về ngoại ngữ có thể khác nhau. Ví dụ như môi trường làm việc trong nước, kỹ năng nghe và nói có thể chiếm lượng ít hơn nhưng vẫn cần đủ để giao tiếp với khách hàng. Còn về học ngoại ngữ đến đâu thì mình nghĩ các bạn hãy học và luyện tập đến trình độ càng cao càng tốt. Theo như kinh nghiệm của mình, để dễ hình dung thì kỹ năng tiếng Anh một Leader cần có nên ở mức tối thiểu là 6.0 điểm IELTS. Việc này sẽ giúp ích cho một Leader trong thời gian lâu dài, ở nhiều môi trường làm việc khác nhau.

5/ Vậy với các bạn chưa có nền tảng về ngoại ngữ thì có học lập trình được không ạ?

Theo mình, lập trình dùng nhiều tư duy logic, các kiến thức về máy tính nói chung và một số kiến thức về toán học. Không có nền tảng về tiếng Anh vẫn có thể học lập trình được. Tuy nhiên, tiếng Anh sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình học hỏi, tìm kiếm thông tin. Nếu các bạn mới bắt đầu học lập trình, mình nghĩ nên tìm hiểu và ghi nhớ một số từ khóa tiếng Anh liên quan đến chương trình học trước, sau đó lên kế hoạch học tiếng Anh sau khi hoàn thành khóa học lập trình.

6/ Anh có lời khuyên gì gửi đến các bạn đã và đang theo đuổi ngành lập trình không ạ?

Lời khuyên của mình dành cho các bạn chuẩn bị bước vào ngành IT và những đồng nghiệp hiện tại là luôn sẵn sàng cho việc học hỏi những kiến thức và kỹ năng mới, giữ cho mình một thói quen và tác phong có ích cho công việc, nhưng cũng nên dành thời gian để thư giãn cho bản thân. Cuối cùng là hãy luôn khát khao và luôn khờ dại, luôn giữ cho mình sự tò mò với những kiến thức vô hạn, có vậy các bạn mới luôn giữ được đam mê trong công việc.

Cảm ơn anh Đức về buổi trò chuyện ngày hôm nay, chúc anh hạnh phúc và thành công!

Thông tin nhân vật:

  • Họ tên: Nguyễn Văn Đức
  • Cựu học viên lớp C0220H1
  • Team-Leader tại NTTData VDS
TƯ VẤN VỀ LỘ TRÌNH HỌC NGHỀ LẬP TRÌNH TẠI CODEGYM
TƯ VẤN VỀ LỘ TRÌNH HỌC NGHỀ LẬP TRÌNH TẠI CODEGYM