Chào mọi người, mình là Lê Phùng Nhật Trường, 24 tuổi, cựu học viên lớp C1121I1 tại CodeGym Huế. Hiện tại mình đang là Sub-Leader team IT phòng Production Engineer công ty Misumi Group VietNam (SaiGon Precision Company).

1/ Chào Trường, bạn có thể chia sẻ một chút về công việc của mình trước khi tới CodeGym học lập trình được không?

Trước khi quyết định theo ngành IT, mình từng làm khá nhiều công việc khác nhau, hoàn toàn không liên quan gì tới code.

Tốt nghiệp THPT, mình vào Đà Nẵng để tìm việc. Công việc đầu tiên là làm Sales và sau khoảng một năm thì được “thăng chức” lên vị trí Sale Manager. Trong một năm này, thứ mình học được nhiều nhất là kỹ năng giao tiếp, thuyết trình và tự tin khi nói chuyện với khách hàng, trước đám đông.

Vài tháng sau đó, mình có giấy gọi nhập ngũ và đã có hai năm trải nghiệm trong môi trường quân đội để rèn luyện bản thân, hoàn thành nghĩa vụ.

Xuất ngũ, mình quyết định đi học tiếng để sang Nhật nhưng do dịch Covid, mình đã không thực hiện được dự định, phải ở lại quê trong suốt hơn một năm. Đó cũng chính là khoảng thời gian “chết” và mất phương hướng nhất của mình.

2/ Bạn biết đến CodeGym qua đâu? Là một người học IT từ con số 0, quá trình học tại CodeGym bạn đã có những trải nghiệm như thế nào?

Khoảng tháng 10/2020 mình lướt FaceBook thấy quảng cáo về lập trình trên Fanpage của CodeGym Huế. Mình đã đến trung tâm tư vấn và làm bài test, nhưng nói thật lúc đó mình cũng chưa chắc chắn sẽ đi học vì kiến thức về lập trình của mình đang là con số 0 tròn trĩnh. Sau đấy mình đã được các anh chị giảng viên động viên và hỗ trợ rất nhiều, mình còn được sắp xếp một buổi trò chuyện khoảng hai giờ với anh Khoa – Giám đốc CodeGym Huế. Sau buổi trò chuyện đó tinh thần mình thoải mái hơn rất nhiều và một tháng sau mình lên nộp học phí, chính thức trở thành học viên của CodeGym.

Buổi học đầu tiên vui lắm! Sau giờ học mình còn hẹn mấy “anh thầy” trong lớp đi nhậu. Ngày hôm đó mình đã nói: “Giờ em không biết gì về lập trình cả, nhưng em cam kết với các anh em sẽ đi đến cùng cho dù có phải học lại em vẫn sẽ quyết tâm”. Chính câu nói này đã trở thành động lực cho mình theo đuổi ngành lập trình, càng học mình càng tiếp thu nhanh, càng thấy nó hay và muốn gắn bó với nó.

Tại CodeGym khi ấy mình được tham gia rất nhiều các hoạt động như Teambuilding, tổ chức Seminar,… Riêng seminar thì có thể nói mình là người tổ chức nhiều nhất tại trung tâm, nhờ đó mà kỹ năng thuyết trình và sự tự tin của mình được nâng cao hơn, nó rất hữu ích cho công việc và cuộc sống của mình sau này.

3/ Sau khi tốt nghiệp CodeGym, bạn bắt đầu đi làm với vị trí nào? Mới đi làm có gặp khó khăn gì không?

Công việc đầu tiên của mình là Data Engineer tại công ty Antsomi, khi đó công việc này cũng đang khá hot và mình muốn thử sức xem sao. Làm việc được khoảng hai tháng thì mình dừng lại vì thấy không phù hợp với công việc. Lúc này mình có hai offer từ một công ty chuyên về mảng game và Misumi Group. Mình qua Misumi phỏng vấn và anh sếp bên đấy khá ưng mình, lúc đó anh ấy bảo: “Chú về cancel bên kia luôn đi, qua đây anh đãi ngộ cho chú, chú muốn gì anh cũng chiều” và rồi mình trở thành lập trình viên tại Misumi.

4/ Bạn hãy chia sẻ về quá trình từ Fresher trở thành Sub-Leader tại Misumi như hiện tại nhé?

Như đã chia sẻ ở trên thì vào hôm phỏng vấn các sếp cũng đã khá ưng mình vì khi đó mình đã thể hiện được năng lực cũng như những kỹ năng mềm đã trau dồi được từ trước, nên đã được giao cho vị trí Sub-Leader. Các kỹ năng như giao tiếp thuyết trình, giải quyết vấn đề, quản lí thời gian, quản lí công việc là những thứ quan trọng và rất cần thiết lúc này, bởi làm một Sub-Leader các bạn không chỉ hoạt động trong team mà còn phải “ngoại giao” với các phòng ban khác như QA, PC để đưa ra sản phẩm tốt hơn.

Ngoài ra, các bạn cần có một chuyên môn vững nữa ví dụ về Java Web, ReactJs, các framework và còn phải học thêm rất nhiều theo thời gian. Mình tâm đắc nhất là việc anh Khoa có dạy về mô hình Thác đổ (Waterfall) qua đó so sánh giữa mô hình này với mô hình SCRUM, nhờ nó mà mình mới deal được các mức lương cao.

5/ Khoảng thời gian đầu làm Sub-Leader Trường có gặp khó khăn gì không? Bạn đã làm thế nào để vượt qua nó?

Mình nghĩ là ở đâu cũng vậy thôi, mình là người mới, chưa làm việc và tiếp xúc với mọi người nhiều nên các thành viên và Sub-Leader khác cũng có phần “không phục” vì họ chưa biết rõ về năng lực của mình. Một phần công việc và độ phức tạp của ngôn ngữ máy cũng làm mình khó khăn và phải học hỏi thêm nhiều (chẳng hạn như PLC và định hướng IOT).

 

Cách giải quyết cho những khó khăn đó không có cách nào khác ngoài làm việc và làm việc. Làm việc để chứng minh cho mọi người thấy mình có đủ năng lực để đứng ở vị trí đó. Thực ra khoảng thời gian đó cũng khá áp lực, mọi người trong team vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng mình nên đôi khi bầu không khí trong phòng cũng khá căng thẳng.

Các thành viên trong team còn “thử trình” của mình bằng cách đặt ra những câu hỏi, rất rất nhiều các câu hỏi về không chỉ chuyên môn hiện tại mà còn ở những lĩnh vực khác nữa. Mọi người cũng biết chương trình học Bootcamp ở CodeGym là chương trình học full-time 8 tiếng/ngày, về nhà mình tự học thêm 7 tiếng nữa là mình đã dành 15 tiếng để học. Bằng những giờ học tập đó mà mình có đủ những kiến thức, khả năng để hướng dẫn cho một người chưa biết gì hiểu được vấn đề. Dần dần những ánh mắt nhìn mình không còn là sự nghi vấn nữa mà thay vào đó là sự tin tưởng và tán dương.

Mình rất may mắn vì nhận được sự công nhận và ủng hộ từ trước của các “sếp lớn”, họ thể hiện sự ưng ý, tin tưởng mình. Điều đó làm mình cảm thấy rất hạnh phúc và có quyết tâm để kiên trì làm việc. Bởi vậy mỗi khi được hỏi làm thế nào để lên Sub-Leader trong thời gian ngắn như vậy, mình hãy bảo mọi người là “Thiên thời địa lợi nhân hòa thôi!”

6/ Được biết hiện tại Trường đang làm giảng viên tại Học viện sáng tạo Teky, mặc dù công việc khá bận rộn, động lực nào giúp bạn làm việc chăm chỉ như vậy?

Hiện tại mình đang đi dạy với ba lĩnh vực chính, đó là 3D multimedia, lập trình và robotic. Đối tượng giảng dạy của mình là các bạn từ cấp tiểu học cho tới tuổi vị thành niên, đòi hỏi mình phải có kiến thức cực kỳ vững cũng như kỹ năng giao tiếp khéo léo để xử lí các câu hỏi có phần ngô nghê nhưng lại hóc búa từ các bạn. Đi dạy như vậy ngoài trau dồi thêm được kỹ năng giao tiếp, khi giảng cho học sinh mình cũng thấm hơn, hiểu hơn vấn đề và nhớ nó lâu hơn.

Thật ra “Áp lực quá”, “Mệt mỏi quá”, “Muốn nghỉ ngơi một chút” đó là những câu ngày nào mình cũng nói với bản thân, những tuyệt nhiên là sẽ không có câu từ bỏ. Kết thúc mỗi ngày mình đều có một bảng đánh giá lại bản thân xem ngày hôm nay mình đã làm được gì, học thêm được gì, năng lực của mình đã nâng cao hơn chưa… Và mình nghĩ về thu nhập của mình trong tương lai 5-7 năm nữa, lúc đó mình có thể trở thành một người đàn ông vững cả về tinh thần lẫn tài chính, làm chỗ dựa cho gia đình.

7/ Trường hãy chia sẻ một số lưu ý để có thể làm việc và phát triển lên Leader khi làm việc tại doanh nghiệp phần mềm Nhật nhé?

Kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm là 2 thứ bắt buộc phải có, tuy nhiên theo mình kỹ năng mềm chỉ chiếm khoảng 30% thôi. Nó sẽ được áp dụng khi bạn giao tiếp hàng ngày và cộng tác với các phòng ban khác để giúp công việc thuận lợi hơn. Còn lại phần lớn công việc mình xử lí đều cần phải có kiến thức chuyên môn vững để có thể hỗ trợ các thành viên trong team tìm ra lỗi và khắc phục nó.

8/ Có thể nói Trường đã tích lũy được kha khá những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và trải nghiệm rồi, vậy bạn có ý định sẽ Start-up không?

Thực ra mình cũng có một công ty nhỏ từ khi chưa biết đến lập trình rồi, nhưng để vận hành nó trơn tru thì còn cần nhiều yếu tố và bản thân mình vẫn cần phải học thêm nhiều thứ nữa. Hiện mình cũng đang học năm 2 ngành Quản trị kinh doanh của trường Đại học Mở Hà Nội. Mình và các anh em trong lớp cũng đã có dự định cộng tác chung, tuy nhiên mọi thứ đang trong giai đoạn hạt giống thôi nên mình chưa thể chia sẻ được nhiều. Dự định ngắn hạn của mình là tiếp tục học tập và tích lũy thêm đã.

9/ Bạn có lời khuyên gì tới các bạn trẻ đang có dự định theo đuổi ngành IT, nhất là những bạn có ngôn ngữ tiếng Nhật không?

Mình nghĩ các bạn nên học tốt tiếng Nhật trước vì đây là một ngôn ngữ khá khó và phức tạp, để vừa làm vừa học thì sẽ khá áp lực cho các bạn. Nếu có thể hãy cố gắng luyện tập đến trình độ N2, ở mức đó bạn có đủ tự tin để làm việc và giao tiếp thoải mái với đồng nghiệp và khách hàng.

Còn với các bạn đã có tiếng Nhật và bắt đầu học IT từ con số 0 thì có thể khởi đầu bằng Java hoặc dotNet cũng là lựa chọn hợp lý. Mình không đánh giá thấp các ngôn ngữ khác nhưng mình khuyến khích hai ngôn ngữ này vì độ khó và quy trình nghiêm ngặt của ngôn ngữ và framework lẫn cộng đồng lớn.

Không có con đường nào trải đẩy hoa hồng, nếu bạn đã xác định và mong muốn theo ngành này thì nên tự tạo ra cho mình những mục tiêu nhỏ thôi nhưng phải rõ ràng. Mình cam đoan khi bạn đạt được dù là 10-20% thành tích nào đó thì cũng sẽ là động lực rất hơn để bạn bước tiếp. Đó là mình, mình lấy những gì mình đã làm để kể lại tâm tư của mình cho các bạn, mong sẽ giúp được các bạn cho dù chỉ là số ít thôi cũng khiến mình đủ hạnh phúc rồi.

Cảm ơn những chia sẻ của Trường, CodeGym chúc bạn sức khỏe và thành công hơn nữa trên con đường sự nghiệp phía trước!

Thông tin nhân vật:
– Họ tên: Lê Phùng Nhật Trường
– Sinh năm: 1998
– Sub-Leader tại Misumi Group

TƯ VẤN VỀ LỘ TRÌNH HỌC NGHỀ LẬP TRÌNH TẠI CODEGYM
TƯ VẤN VỀ LỘ TRÌNH HỌC NGHỀ LẬP TRÌNH TẠI CODEGYM